Phân biệt: Cao đẳng/Trung cấp chuyên nghiệp và Cao đẳng/Trung cấp nghề
[CSC] Cao đẳng chuyên nghiệp (gọi tắt là Cao đẳng)/Trung cấp chuyên nghiệp (hay Trung học chuyên nghiệp) và Cao đẳng nghề/Trung cấp nghề có gì khác nhau? Bằng cấp Cao đẳng nghề và Cao đẳng chuyên nghiệp như thế nào, ai cấp? Hãy cùng làm rõ điểm giống và khác nhau giữa cao đẳng nghề và cao đẳng chuyên nghiệp nhé!
Cao Đẳng nghề hay Cao đẳng chuyên nghiệp thì khi tốt nghiệp đều được cấp bằng Cao đẳng cử nhân. Trong đó, bằng Cao đẳng chuyên nghiệp do Bộ GD-ĐT cấp, bằng Cao đẳng nghề do Bộ Lao động – thương binh và xã hội cấp.
Sau đây chúng tôi sẽ giải thích cho bậc cao đẳng (gồm cao đẳng nghề và cao đẳng chuyên nghiệp), bậc trung cấp (trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp) sẽ tương tự.
Cao đẳng nghề là gì?
Cao đẳng nghề là hình thức đào tạo chính quy với mục đích đào tạo nghề nghiệp cho những học viên muốn có nghề trong tay để xin việc làm luôn. Cao đẳng nghề thuộc bậc giáo dục nghề nghiệp có trình độ đào tạo là cao đẳng nghề thuộc hệ thống trường nghề do Tổng cục Dạy nghề – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước.
Khác với bậc cao đẳng trong hệ thống giáo dục đại học, hệ cao đẳng nghề chuyên đào tạo chuyên sâu về kỹ năng nghề, kỹ năng thực hàng.
Tốt nghiệp cao đẳng nghề, người học được cấp bằng nghề trình độ cao đẳng, phôi bằng do Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội cấp.
Cao đẳng chuyên nghiệp là gì?
Khác với hệ cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp là hệ đào tạo chính quy do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Học cao đẳng chuyên nghiệp, sinh viên được trang bị kiến thức rộng cùng các kỹ năng thực hành.
Khi tốt nghiệp, sinh viên được cấp bằng cao đẳng cử nhân, phôi bằng do Bộ Giáo dục và Đạo tạo cấp. Đặc biệt, học cao đẳng chuyên nghiệp, sinh viên không chỉ có tay nghề mà còn có khả năng tính toán, thiết kế và khả năng giải quyết các vấn đề chuyên ngành.
Phân biệt Cao đẳng nghề và Cao đẳng chuyên nghiệp
Về Bằng cấp
Các trường trung cấp nghề, Cao đẳng nghề thuộc hệ thống dạy nghề do Bộ LĐ-TB&XH quản lý. Trong khi các trường trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng, ĐH do Bộ GD-ĐT quản lý. Bên cạnh đó, hiện nay một số trường ĐH, Cao đẳng do ngành giáo dục quản lý còn có đào tạo hệ nghề (bậc trung cấp nghề và Cao đẳng nghề) với tên gọi “Cao đẳng thực hành”. Thông thường các trường tuyển sinh đào tạo hệ nghề không thi tuyển, chỉ xét tuyển theo học bạ THPT, bổ túc THPT.
Chính quy là gì?
Hình thức đào tạo “chính quy” để phân biệt với các hình thức đào tạo khác như: vừa làm vừa học, từ xa, liên thông. Trong đó hình thức đào tạo chính quy là sinh viên phải học tập trung trong thời gian nhất định.
Về mục tiêu và chương trình đào tạo, hệ nghề thời lượng thực hành nhiều hơn so với hệ chuyên nghiệp. Tốt nghiệp trung cấp nghề, được cấp bằng nghề trình độ trung cấp và được liên thông học tiếp trình độ Cao đẳng nghề. Phôi bằng hệ đào tạo nghề do Bộ LĐ-TB&XH cấp.
>> Xem thêm: [Phân biệt] Hệ đào tạo Chính quy và Không chính quy?
Liên thông thì như thế nào?
Theo thông tư liên tịch số 27/2010/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH hướng dẫn đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, Cao đẳng nghề lên trình độ Cao đẳng, ĐH do Bộ GD-ĐT – Bộ LĐ-TB&XH ban hành, sinh viên sau khi tốt nghiệp Cao đẳng nghề được tham gia liên thông lên ĐH theo chương trình phê duyệt của Bộ GD-ĐT.
Hiện nay chỉ có 15 trường ĐH, Cao đẳng được phép đào tạo liên thông từ hệ nghề lên hệ chính quy gồm: ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định, ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Lao động xã hội, ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, ĐH Công nghệ Đông Á, ĐH Sao Đỏ, ĐH Công nghệ Đồng Nai, Cao đẳng Thương mại và du lịch Thái Nguyên, ĐH Trà Vinh, Cao đẳng Viễn Đông, ĐH Duy Tân, ĐH Hàng hải và Cao đẳng Xây dựng số 1. Tuy nhiên, ngay cả các trường này cũng chỉ được phép đào tạo liên thông từ hệ nghề một số ngành cụ thể, chứ không phải tất cả ngành đào tạo. Thí sinh cần tham khảo chi tiết thông tin này trên trang web của các trường. Thí sinh phải đến các trường nêu trên dự thi liên thông. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được cấp bằng Cao đẳng (hoặc ĐH) chính quy (phôi bằng do Bộ GD-ĐT cấp).
Bằng Cao đẳng nghề có ngang với bằng Cao đẳng không?
Đây là thắc mắc của nhiều bạn trẻ đang theo học các ngành nghề thuộc hệ Cao đẳng nghề. Theo quy định, sinh viên học hệ Cao đẳng khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng Cử nhân, phôi bằng do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp. Trong khi đó, ở hệ Cao đẳng nghề, học viên tốt nghiệp được cấp bằng nghề trình độ Cao đẳng, phôi bằng do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp.
Do đó, bằng Cao đẳng nghề không thể ngang bằng với bằng Cao đẳng. Hơn nữa, bằng trung cấp, cao đẳng nghề là giấy tờ, văn bằng để các thí sinh xin việc làm luôn hoặc tham gia học liên thông:
Theo Điều 7 Thông tư 55/2012/TT- BGDĐT (sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 08 /2015/TT-BGDĐT) quy định người học liên thông phải có các văn bằng sau:
Người dự thi đào tạo liên thông phải có một trong các văn bằng sau:
a) Bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng của các trường đã có báo cáo tự đánh giá và triển khai kiểm định chất lượng theo tiến độ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định;
b) Bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, cao đẳng nghề của các trường đã có báo cáo tự đánh giá và triển khai kiểm định chất lượng theo tiến độ do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định;
c) Bằng tốt nghiệp của các trường nước ngoài, trường nước ngoài hoạt động hợp pháp ở Việt Nam thì văn bằng phải được công nhận theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội;
Người tốt nghiệp trung cấp nghề, cao đẳng nghề nhưng chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông phải học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa trong chương trình giáo dục trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đối với các ngành, nghề đặc thù khi tổ chức đào tạo liên thông, cơ sở giáo dục đại học hoặc bộ quản lý ngành có thể quy định thêm các điều kiện khác để đảm bảo chất lượng đào tạo nhưng không thấp hơn các quy định tại Thông tư này và phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận”.
Cơ hội việc làm
Tuy bằng cấp không bằng cao đẳng chuyên nghiệp, nhưng Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp Cao đẳng nghề hiện nay rất tốt. Hầu như sinh viên ra trường đều có việc làm và lương tương đối cao. Vì một điều hiển nhiên và thời sự nhất và có lẽ là mãi mãi: “Làm thực tế cần hơn lý thuyết”. Thí sinh cần cân nhắc thật kỹ về việc chọn ngành nghề, trường đào tạo nghề.
Vì sao học cao đẳng nghề lại dễ xin việc?
- Chương trình giảng dạy mang tính thực tiễn cao: Tại các trường nghề, chương trình giảng dạy đều mang tính thực tiễn cao, người học được giảng dạy chi tiết đến khi có thể thực hành được. Do đó, khi tốt nghiệp, có thể dễ dàng tìm được việc làm đúng ngành nghề đã học.
- Đào tạo theo nhu cầu thực tế của thị trường lao động: Các học viên sẽ không phải canh cánh nỗi lo thất nghiệp khi đăng ký học cao đẳng nghề, bởi các trường nghề đều đào tạo theo nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Khi tốt nghiệp, các bạn sẽ được các nhà tuyển dụng săn đón, chứ không phải mỏi mòn “rải” hồ sơ tới các công ty…
- Vững “tay nghề” khi ra trường: Hiện nay, hầu hết các nhà tuyển dụng đều thích tuyển nhân sự từ các trường nghề, bởi không mất thời gian đào tạo lại. Đây chính là lợi thế rất lớn đối với những bạn học trường nghề.
Trên thực tế, dù giỏi đến đâu, năm đầu tiên vào làm việc cũng phải học hỏi thêm để hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng tuyển nhân sự tốt nghiệp trường nghề được lợi rất nhiều như: Đầu tư thấp, lại có thể đào tạo dần nếu người đó gắn bó với công ty…