Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa & các loại học vị thời Phong kiến
[CSC] Chúng ta đã nghe đến: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Thái học sinh… và sau đây chúng tôi sẽ tổng hợp các danh hiệu (học vị) của những người đỗ đạt các kỳ thi trong thời Phong kiến xưa.
Bảng tổng hợp Khoa bảng thời Phong kiến | ||
THI HƯƠNG | THI HỘI | THI ĐÌNH |
Giải nguyên | Hội nguyên | Đình nguyên |
Hương cống (Cống sĩ) | Thái học sinh | Trạng nguyên |
Sinh đồ | Phó bảng | Bảng nhãn |
Thám hoa | ||
Hoàng giáp | ||
Đồng tiến sĩ xuất thân |
>> Xem thêm: Tìm hiểu Hệ thống Khoa cử Việt Nam thời Phong kiến
Học vị trong kỳ thi Hương
Thi Hương là một khoa thi liên tỉnh, theo lệ 3 năm tổ chức 1 lần về nho học do triều đình phong kiến tổ chức để tuyển chọn người có tài, học rộng và bổ nhiệm làm quan. Sau khi đỗ Cống sĩ thì năm sau mới được dự thi kỳ thi cao cấp hơn là thi Hội, và nếu đậu thi Hội sẽ vào xếp hạng Tiến sĩ khi thi Đình.
>> Xem thêm: Thi Hương – 1 trong 3 kỳ thi quan trọng bậc nhất thời Phong kiến
Giải nguyên
Giải nguyên (chữ Nho: 解元) là một học vị trong hệ thống khoa bảng Việt Nam. Dùng để gọi thí sinh đỗ cao nhất trong khoa thi Hương, hạng đầu bảng được gọi là Cống sĩ; xếp cao nhất số Cống sĩ gọi là Giải nguyên.
Danh sách một số Giải nguyên trong lịch sử:
- Nguyễn Quỳnh (1677 – 1748): đỗ Giải nguyên lúc 20 tuổi, làm quan Hàn lâm viện Tu soạn
- Phan Huy Cẩn (1722 – 1789): đỗ Giải nguyên lúc 26 tuổi, là Hội nguyên Tiến sĩ làm quan đến Công bộ Tả Thị lang
- Nguyễn Thiếp (1723 – 1804): hiệu La Sơn phu tử, Giải nguyên lúc 21 tuổi, là danh sĩ thời Lê-Trịnh và Tây Sơn
- Lê Quý Đôn (1726 – 1784): Giải nguyên lúc 18 tuổi là Tam nguyên Bảng nhãn, danh sĩ, làm đến chức Bồi tụng.
- Vũ Trinh (1759 – 1828): Giải nguyên lúc 17 tuổi, thi Hội đậu Tam trường, là danh sĩ, luật gia làm quan đến Tham tri Chính sự, nhà soạn Chèo.
- Nguyễn Đề (1761 – 1805): Giải nguyên lúc 23 tuổi, thi Hội đậu Tam trường là đại quan thời Tây Sơn
- Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858): Giải nguyên lúc 42 tuổi, là nhà quân sự, nhà kinh tế và nhà thơ trong lịch sử Việt Nam cận đại
- Bùi Hữu Nghĩa (1807 – 1872): Giải nguyên lúc 29 tuổi, nhà thơ, nhà soạn Tuồng
- Thủ khoa Huân (1830 – 1875): Giải nguyên lúc 22 tuổi, nhà yêu nước.
- Nguyễn Khuyến (1835 – 1909): Giải nguyên lúc 30 tuổi, là Tam nguyên Hoàng giáp, nhà thơ, nhà văn.
- Nguyễn Cao (1837 – 1887): Giải nguyên lúc 31 tuổi, là danh tướng thời Nguyễn, nhà thơ.
- Hồ Sĩ Tạo (1841 – 1907) Giải nguyên lúc 28 tuổi làm quan đến Huấn đạo huyện Nho Quan là người giúp đỡ cho Nguyễn Sinh Sắc trên đường cử nghiệp
- Phan Bội Châu (1867 – 1940): Giải nguyên lúc 24 tuổi, nhà cách mạng.
Hương cống
Cống sĩ (Chữ Hán: 貢士) (từ thời Gia Long trở về trước gọi là Hương cống 鄉貢; tới thời Minh Mạng gọi là Cử Nhân 舉人) là một loại học vị trong hệ thống khoa bảng Việt Nam thời phong kiến, tức là đỗ tứ trường khoa thi Hương và sẽ được bổ nhiệm làm quan, thí sinh xếp thứ nhất trong các Cống sĩ khoa thi Hương gọi là Giải nguyên.
Vào đời nhà Hậu Lê mỗi khoa thi Hương có 4 kỳ (xưa gọi là 4 trường) kéo dài khoảng 1 tháng. Nội dung thi cơ bản như sau:
- Kỳ I: Kinh nghĩa, thư nghĩa;
- Kỳ II: chiếu, chế, biểu;
- Kỳ III: thơ phú;
- Kỳ IV: văn sách.
Đỗ cả ba kỳ thì được nhận học vị Tú Tài hay sinh đồ; đỗ cả bốn kỳ được nhận học vị Cử Nhân hay Hương cống.
Hương cống và sinh đồ là tên gọi do vua Lê Thánh Tông đặt năm 1466.
Đến năm 1828 vua Minh Mạng mới đổi cách gọi Hương cống thành Cử nhân. Ở Việt Nam, không nên lầm lẫn giữa Cử nhân Nho học của triều Nguyễn (lấy ít người đậu, 3 năm một khoa thi) với Cử nhân tân học (tốt nghiệp Đại học của nhiều trường trong nước ngày nay).
Danh sách một số Cống sĩ trong lịch sử:
- Đỗ Trọng Vỹ (1829 – 1899): đỗ Cống sĩ lúc 36 tuổi, làm quan Đốc học, là tác giả Bắc Ninh địa dư chí
- Cao Xuân Dục (1843 – 1923): đỗ Cống sĩ lúc 34 tuổi, làm quan Phụ chính Đại thần, Học bộ Thượng thư, Đông các điện Đại học sĩ, từng làm Đề điệu (Chánh chủ khảo) khoa thi Hội; là cha của Phó bảng, Thượng thư Cao Xuân Tiếu
- Nguyễn Thiện Thuật (1844 – 1926): đỗ Cống sĩ lúc 33 tuổi, lãnh tụ khởi nghĩa Cần vương ở Bắc phần Việt Nam thời Pháp thuộc
- Đào Tấn (1845 – 1907): đỗ Cống sĩ lúc 23 tuổi, làm quan đến Công bộ Thượng thư, Hiệp biện Đại học sĩ; là người soạn tuồng và hát bội nổi tiếng
- Hoàng Hữu Xứng (1831 – 1905): đỗ Cống sĩ lúc 22 tuổi làm quan đến chức Tuần phủ Hà Nội sau thăng Hiệp biện Đại học sĩ là cụ nội của Hoàng Kiều (chủ tập đoàn Shanghai RAAS Blood Products).
Sinh đồ
Sinh đồ (chữ Nho: 生徒; tên gọi khác là Tú tài Nho học) là một loại học vị trong hệ thống giáo dục Việt Nam thời phong kiến, dùng để chỉ những người đã đỗ cả ba kỳ của khoa thi Hương (tam trường) như đã nói bên trên.
Thi xong kỳ nào chấm bài kỳ ấy, ai đỗ vào thi tiếp kỳ sau, ai trượt thì về. Thi đỗ kỳ III, vào kỳ IV không đỗ thì được nhận học vị sinh đồ, đỗ cả bốn kỳ được nhận học vị hương cống, và năm sau mới được phép dự thi kỳ thi Hội (nếu muốn).
Hương cống và sinh đồ là tên gọi do vua Lê Thánh Tông đặt năm 1466. Đến năm 1828 vua Minh Mạng mới đổi cách gọi Sinh đồ thành Tú tài Nho học. Cống sĩ được bổ nhiệm làm quan, Sinh đồ (Tú tài Nho học) đủ tư cách đi dạy học.
Danh sách một số Sinh đồ trong lịch sử:
- Đặng Trần Thường (1759 – 1813): đỗ Sinh đồ lúc khoảng 30 tuổi, làm quan đến Binh bộ Thượng thư nhà Nguyễn
- Nguyễn Du (1766 – 1820): đỗ Sinh đồ lúc 18 tuổi, là quan lại thời Lê-Trịnh và thời Nguyễn, đại thi hào, danh nhân văn hóa thế giới
- Phạm Đình Hổ (1768 – 1839): đỗ Sinh đồ khoảng lúc 21-22 tuổi, thời cuối Lê Chiêu Thống; là tác giả của Quốc triều hội điển, Vũ trung tùy bút
- Phan Huy Chú (1782 – 1840): đỗ tam trường khoa thi Hương (các khoa thi 1807, 1819), lúc 26 tuổi và 38 tuổi; làm quan đến Hàn lâm viện Thị độc; nhà thư tịch, nhà bác học Việt Nam
- Trần Tế Xương (1870 – 1907): đỗ tam trường khoa thi Hương lúc 25 tuổi, nhà thơ Việt Nam
Học vị trong kỳ thi Hội
Thi Hội là một Khoa thi Nho học thường lệ 3 năm tổ chức 1 lần (áp sát ngay sau năm của khoa thi Hương) tại Kinh đô để tuyển chọn người có tài, học rộng. Chỉ có những người đã đỗ thi Hương (tức Cống sĩ) mới được quyền tham dự. Người đỗ cả bốn kỳ của khoa thi Hội là đậu đại khoa (sẽ vào tiếp Đình thí xếp hạng Tiến sĩ), đậu cả ba kỳ của khoa thi Hội là đậu Tam trường thi Hội. Thể thức giống với thi Hương, cũng gồm 4 kỳ như vậy, song ở cấp độ cao và khó hơn. Thí sinh đã đỗ thi Hội thì đã là đậu đại khoa, vì thi Đình chỉ xếp hạng Tiến sĩ chứ không loại bỏ ai (gọi là Đình thí bất truất). Vì thi Hội khó nên trúng Tam trường thi Hội trở lên đều có thể được giữ những chức quan cao.
>> Xem thêm: Thi Hội – 1 trong 3 kỳ thi quan trọng bậc nhất thời Phong kiến
Hội nguyên
Hội nguyên (tiếng Hoa:會元) là tên gọi người thí sinh đỗ cao nhất trong khoa thi Hội. Hội nguyên là đỗ thứ nhất trên toàn số Cống sĩ cả nước tham dự, cùng với Đình nguyên được xếp hạng Thủ khoa Nho học Việt Nam.
Danh sách một số Hội nguyên trong lịch sử:
- Thân Nhân Trung (申仁忠, 1419 – 1499) Hội nguyên năm 51 tuổi làm quan đến Hàn lâm viện Thừa chỉ kiêm Quốc tử giám Tế tửu
- Nhữ Đình Toản (汝公瓚, 1702 – 1773): Hội nguyên năm 35 tuổi, làm Tham tụng (Tể tướng), kiêm Quốc tử giám Tế tửu
- Nguyễn Bá Lân (阮伯麟, 1700 – 1785): Hội nguyên năm 32 tuổi làm Bồi tụng (Phó Tể tướng) kiêm Quốc tử giám Tế tửu
- Vũ Miên (武檰; 1718 – 1782): Hội nguyên năm 31 tuổi làm Hành Tham tụng kiêm Quốc tử giám Tế tửu, Quốc sử Tổng tài
- Ninh Tốn (寧遜, 1744 – 1795): Hội nguyên năm 34 tuổi, làm Bồi tụng (Phó Tể tướng), kiêm Quốc sử quán Toản tu
- Khiếu Năng Tĩnh (呌能靜, 1835 – 1919): Hội nguyên năm 45 tuổi làm quan đến Quốc tử giám Tế tửu Huế
Thái học sinh
Thái học sinh (chữ Hán: 太學生) là học vị cấp cho những thí sinh thi đỗ kỳ thi Hội, một trong những kỳ thi Nho học do triều đình phong kiến tổ chức. Học vị này xuất hiện từ khoa thi Nhâm Thìn (1232) đời Trần Thái Tông cho đến khoa thi Canh Thìn (1400) đời Hồ Quý Ly, được xem là tương đương học vị Tiến sĩ, hay trong dân gian gọi là ông Nghè, xuất hiện về sau này, từ khoa thi Nhâm Tuất (1442) đời Lê Thái Tông cho tới khoa thi Nho học cuối cùng ở Việt Nam vào năm Kỷ Mùi (1919) đời Khải Định.
Danh sách một số Thái học sinh trong lịch sử:
- Chu Văn An (1292 – 1370), chưa rõ năm thi đỗ, làm Tư nghiệp Quốc tử giám
- Đại y Thiền sư Tuệ Tĩnh (1330 – ?) đỗ Thái học sinh năm 22 tuổi, ông tổ ngành dược Việt Nam.
- Nguyễn Trãi (1380 – 1442), đỗ Thái học sinh năm 21 tuổi, làm Nhập nội Hành khiển (Tể tướng) triều Lê
- Phạm Sư Mạnh (1303 – 1384), Đại hành khiển (Tể tướng) triều Trần
Phó bảng
Phó bảng (chữ Hán: 副榜; Tiến sĩ Ất khoa) là một học vị trong hệ thống khoa bảng Việt Nam trong thời Nguyễn, được áp dụng từ 1829 đến 1919. Cống sĩ đã dự thi Hội khi đậu đại khoa chia 2 hạng: hạng dưới gọi là Phó bảng/Tiến sĩ Ất khoa, hạng trên gọi là Chính bảng/Tiến sĩ Giáp khoa.
Danh sách một số Phó bảng trong lịch sử:
- Nguyễn Văn Siêu (1799 – 1872), Phó bảng năm 40 tuổi, khoa thi Hội năm Mậu Tuất – Minh Mạng thứ 19 (1838), làm quan đến Thị giảng học sĩ (hàm Tòng tứ phẩm), phụ trách giảng dạy hoàng tử, từng làm Ất sứ sang nhà Thanh.
- Vũ Duy Thanh (1807 – 1859), đỗ Phó bảng năm 44 tuổi, đỗ Thủ khoa Chế khoa, làm Tư nghiệp rồi Tế tửu Quốc tử giám Huế.
- Đỗ Đăng Đệ (1814 – 1888), đỗ Phó Bảng năm 29 tuổi, khoa Nhâm Dần – Thiệu Trị thứ 2 (1842), làm quan đến Lễ bộ Thượng thư, là nhà thơ.
- Hoàng Diệu (1829 – 1882), đỗ Phó Bảng năm 25 tuổi, khoa Quý Sửu – Tự Đức thứ 6 (1853), từng giữ chức Tổng đốc Hà Ninh (bao gồm Hà Nội và vùng phụ cận). Nguyễn Thuật (1842–1911), đỗ Phó bảng năm 27 tuổi, khoa thi Hội năm Mậu Thìn – Tự Đức thứ 21 (1868), từng làm đến chức Thượng thư, Tổng đốc Thanh Hóa.
- Nguyễn Sinh Sắc (1862 – 1929), Phó bảng năm 40 tuổi, làm quan Thừa biện bộ Lễ là thân sinh Hồ Chí Minh.
- Phan Châu Trinh (1872 – 1926), đỗ Phó bảng năm 30 tuổi, khoa thi năm Tân Sửu (1901).
Học vị trong kỳ thi Đình
Thi Đình (Đình thí, Điện thí) là một khóa thi nho học cao cấp nhất do triều đình phong kiến tổ chức để tuyển chọn người có tài, học rộng. Người thi đỗ được bổ nhiệm làm quan chức trong triều chính. Sau khi thí sinh đỗ khoa thi Hội thì mới được dự thi thi Đình. Đỗ đầu thi Đình gọi là đình nguyên hay điện nguyên. Gọi là thi Đình vì thi trong cung điện của vua.
>> Xem thêm: Thi Đình – 1 trong 3 kỳ thi quan trọng bậc nhất thời Phong kiến
Đình nguyên
Thủ khoa nho học Việt Nam (còn gọi là Đình nguyên) là những người đỗ cao nhất trong các khoa thi nho học thời phong kiến ở Đại Việt (còn gọi là thủ khoa Đại Việt, trong các triều đại nhà Lý, nhà Trần, nhà Hồ, nhà Hậu Lê, nhà Mạc), và Đại Nam của nhà Nguyễn (còn gọi là Đình nguyên thời Nguyễn). Danh hiệu này không bao gồm các thủ khoa các kỳ thi tiến sĩ võ trong các triều đại Việt Nam và các kỳ thi Phật học thời nhà Lý.
Các khoa thi tiến sĩ nho học đầu tiên có tên là khoa thi Minh kinh bác học. Khoa thi Minh kinh bác học đầu tiên được mở ra dưới thời nhà Lý năm 1075, người đỗ đầu khoa thi này là Lê Văn Thịnh. Đến thời nhà Trần, theo Đại Việt Sử ký Toàn thư thì trong các năm 1232, 1239 có mở các kỳ thi Thái học sinh (tên gọi các khoa thi tiến sĩ nho học dưới triều nhà Trần và nhà Hồ).
Thủ khoa nho học Việt Nam, trước khi có danh hiệu tam khôi (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa) dành cho 3 vị trí đầu tiên từ đời vua Trần Thái Tông (năm 1246 hoặc 1247?), chưa có danh hiệu chính thức, tạm gọi họ là các thủ khoa Đại Việt. Hiện tại, thống kê theo các nguồn khác nhau có khoảng 9 người đỗ đầu trong các kỳ thi này. Một số tài liệu vẫn xếp 7 người trong số này (trừ Lưu Diễm và Vương Giát) vào danh sách các trạng nguyên Việt Nam.
Thời nhà Hồ, quốc hiệu là Đại Ngu, nhưng vì thời gian tồn tại quá ngắn kẹp giữa quốc hiệu Đại Việt và chỉ tổ chức được 2 khoa thi Thái học sinh với 2 thủ khoa, nên có thể xếp chung vào nhóm thủ khoa Đại Việt.
Thời nhà Hậu Lê các khoa thi nho học được phân cấp thành 3 cấp từ thấp tới cao là: thi Hương (cấp địa phương), thi Hội (cấp quốc gia), thi Đình (cấp quốc gia). Thủ khoa tiến sĩ nho học là người đỗ đầu kỳ thi Đình (Đình nguyên), là kỳ thi do nhà vua tổ chức cho các tân tiến sĩ đã đỗ trong kỳ thi Hội để chọn tam khôi và phân hạng tiến sĩ. (Việc phân hạng tiến sĩ thành 3 bậc: đệ nhất giáp (tam khôi), đệ nhị giáp, đệ tam giáp lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm Kiến Trung thứ 8 (1232) đời vua Trần Thái Tông. đến nhà Hậu Lê năm 1484 niên hiệu Hồng Đức thứ 15, Lê Thánh Tông lập lại đặt thành: tiến sĩ cập đệ, tiến sĩ xuất thân và đồng tiến sĩ xuất thân.) Tuy vậy, trong cuốn Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú vẫn kể đến tên những thủ khoa của các kỳ thi Hội vào trong phần số người đỗ các khoa, mục khoa mục chí.
Từ khi có danh hiệu tam khôi (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa) vào đời vua Trần Thái Tông), thì các thủ khoa Đại Việt được chính thức gọi là Trạng nguyên (Trạng nguyên Việt Nam cũng chính là Đình nguyên tức thủ khoa Đại Việt). Tuy vậy, không phải mọi khoa thi đều có trạng nguyên nên thủ khoa Đại Việt không hoàn toàn đồng nhất với Trạng nguyên Việt Nam.
Đến thời nhà Nguyễn, Đại Việt được đổi tên thành Việt Nam, sau đó lại đổi thành Đại Nam. Các kỳ thi tiến sĩ nho học thời Nguyễn chỉ bắt đầu từ năm Minh Mạng khi quốc hiệu Việt Nam đã được đổi thành Đại Nam. Với dụng ý tập trung quyền lực độc tôn vào hoàng đế, Gia Long đặt ra lệ tứ bất, trong đó tại kỳ thi Đình không lấy trạng nguyên nên những người đỗ cao nhất chỉ được ban tới bảng nhãn hay thấp hơn. Mặc dù, tất cả các kỳ thi tiến sĩ nho học thời nhà Nguyễn đều là các khoa thi Hội (nhà Nguyễn không tổ chức thi Đình), nhưng các thủ khoa thời Nguyễn vẫn được gọi là Đình nguyên. Vì tuy không tổ chức một kỳ thi Đình chung cuộc sau kỳ thi Hội, nhưng các bài thi Hội của các tân tiến sĩ được các vị vua xem xét chấm chung cuộc.
Danh sách thủ khoa nho học Việt Nam:
Thứ tự | Họ tên thủ khoa nho học | Khoa thi | Triều đại | |
Thủ khoa (Minh kinh bác học, Thái học sinh), Trạng nguyên, Kinh trạng nguyên, Đình nguyên | Thủ khoa Thái học sinh, Trại trạng nguyên, Hội nguyên | |||
1 | Lê Văn Thịnh | 1075 | Lý | |
2 | Mạc Hiển Tích | 1086 | Lý | |
3 | Bùi Quốc Khái | 1185 | Lý | |
4 | Trương Hanh | Lưu Diễm | 1232 | Trần |
5 | Lưu Miễn | Vương Giát | 1239 | Trần |
6 | Nguyễn Quan Quang | 1246 | Trần | |
7 | Nguyễn Hiền | 1247 | Trần | |
8 | Trần Quốc Lặc | Trương Xán | 1256 | Trần |
9 | Trần Cố | Bạch Liêu | 1266 | Trần |
10 | Lý Đạo Tái | 1272 (1274) | Trần | |
11 | Đào Tiêu | 1275 | Trần | |
12 | Mạc Đĩnh Chi | 1304 | Trần | |
13 | Đào Sư Tích | 1379 | Trần | |
14 | Đoàn Xuân Lôi | 1384 | Trần | |
15 | Hoàng Quán Chi | 1393 | Trần | |
16 | Lưu Thúc Kiệm | 1400 | Hồ | |
17 | Hà Ngạn Thần | 1405 | Hồ | |
18 | Triệu Thái | 1429 | Hậu Lê | |
19 | Nguyễn Thiên Tích | 1431 | Hậu Lê | |
20 | Nguyễn Vết Tuyên | 1435 | Hậu Lê | |
21 | Nguyễn Trực | Nguyễn Như Đổ | 1442 | Hậu Lê |
22 | Nguyễn Nghiêu Tư | Đặng Tuyên | 1448 | Hậu Lê |
23 | Vũ Bá Triệt | Nguyễn Chỉ | 1453 | Hậu Lê |
24 | Nguyễn Văn Xứng | 1458 | Hậu Lê | |
25 | Lương Thế Vinh | Quách Đình Bảo | 1463 | Hậu Lê |
26 | Dương Như Châu | (không rõ) | 1466 | Hậu Lê |
27 | Phạm Bá | Thân Nhân Trung | 1469 | Hậu Lê |
28 | Vũ Kiệt | Lê Tuấn Ngạn | 1472 | Hậu Lê |
29 | Vũ Tuấn Chiêu | Cao Quýnh | 1475 | Hậu Lê |
30 | Lê Quảng Chí | Lê Minh | 1478 | Hậu Lê |
31 | Phạm Đôn Lễ | 1481 | Hậu Lê | |
32 | Nguyễn Quang Bật | Phạm Trí Khiêm | 1484 | Hậu Lê |
33 | Trần Sùng Dĩnh | Phạm Trân | 1487 | Hậu Lê |
34 | Vũ Duệ | Nguyễn Khao | 1490 | Hậu Lê |
35 | Vũ Dương | 1493 | Hậu Lê | |
36 | Nghiêm Viện | Nguyễn Huân | 1496 | Hậu Lê |
37 | Đỗ Lý Khiêm | Lương Đắc Bằng | 1499 | Hậu Lê |
38 | Lê Ích Mộc | (không rõ) | 1502 | Hậu Lê |
39 | Lê Nại | 1505 | Hậu Lê | |
40 | Nguyễn Giản Thanh | Đỗ Vinh | 1508 | Hậu Lê |
41 | Hoàng Nghĩa Phú | Nguyễn Thái Hoa | 1511 | Hậu Lê |
42 | Nguyễn Đức Lượng | Nguyễn Bỉnh Đức | 1514 | Hậu Lê |
43 | Ngô Miễn Thiệu | Đặng Ất | 1518 | Hậu Lê |
44 | Nguyễn Thái Bạt | Nguyễn Bật | 1520 | Hậu Lê |
45 | Hoàng Văn Tán | Đào Nghiễm | 1523 | Hậu Lê |
46 | Trần Tất Văn | Phạm Đình Quang | 1526 | Hậu Lê |
47 | Đỗ Tống | Nguyễn Quang Tán | 1529 | Mạc |
48 | Nguyễn Thiến | 1532 | Mạc | |
49 | Nguyễn Bỉnh Khiêm | 1535 | Mạc | |
50 | Giáp Hải | Đinh Soạn | 1538 | Mạc |
51 | Nguyễn Kỳ | Bạch Hồng Nho | 1541 | Mạc |
52 | Vũ Cảnh | (không rõ) | 1544 | Mạc |
53 | Dương Phúc Tư | Nguyễn Thước | 1547 | Mạc |
54 | Trần Văn Bảo | Ngô Bật Lượng | 1550 | Mạc |
55 | Nguyễn Lượng Thái | Trần Vĩnh Tuy | 1553 | Mạc |
56 | Đinh Bạt Tụy | 1554 | Hậu Lê | |
57 | Phạm Trấn | Nguyễn Bỉnh Dị | 1556 | Mạc |
58 | Đặng Thì Thố | 1559 | Mạc | |
59 | Phạm Duy Quyết | Nguyễn Khắc Kính | 1562 | Mạc |
60 | Phạm Quang Tiến | Lê Khắc Đôn | 1562 | Mạc |
61 | Vũ Hữu Chính | 1565 | Mạc | |
62 | Lê Khiêm | 1565 | Hậu Lê | |
63 | Nguyễn Miễn | Bùi Tất Năng | 1571 | Mạc |
64 | Vũ Văn Khuê | Nguyễn Tự Cường | 1574 | Mạc |
65 | Vũ Giới | Đoàn Thế Bạt | 1577 | Mạc |
66 | Lê Trạc Tú | 1577 | Hậu Lê | |
67 | Nguyễn Văn Giai | 1580 | Hậu Lê | |
68 | Đỗ Cung | Ngô Trừng | 1580 | Mạc |
69 | Nguyễn Tuấn Ngạn | Đào Tung | 1583 | Mạc |
70 | Nguyễn Nhân Thiệm | 1583 | Hậu Lê | |
71 | Nguyễn Giáo Phường | 1586 | Mạc | |
72 | Phạm Y Toàn | 1589 | Mạc | |
73 | Lê Như Bật | 1589 | Hậu Lê | |
74 | Trịnh Cảnh Thụy | 1592 | Hậu Lê | |
75 | Phạm Hữu Năng | Hoàng Đĩnh | 1592 | Mạc |
76 | Nguyễn Thực | Nguyễn Viết Tráng | 1595 | Hậu Lê |
77 | Nguyễn Thứ | Nguyễn Khắc Khoan | 1598 | Hậu Lê |
78 | Nguyễn Đăng | 1602 | Hậu Lê | |
79 | Nguyễn Thế Tiêu | Đặng Duy Minh | 1604 | Hậu Lê |
80 | Lưu Đình Chất | Ngô Nhân Triệt | 1607 | Hậu Lê |
81 | Nguyễn Văn Khuê | Nguyễn Tiến Dụng | 1610 | Hậu Lê |
82 | Nguyễn Tuấn | Bùi Tất Thắng | 1613 | Hậu Lê |
83 | Lê Trí Dụng | Vũ Miễn | 1616 | Hậu Lê |
84 | Nguyễn Lại | Trần Hữu Lễ | 1619 | Hậu Lê |
85 | Phạm Phi Kiên | 1623 | Hậu Lê | |
86 | Giang Văn Minh | 1628 | Hậu Lê | |
87 | Nguyễn Thọ Xuân | 1631 | Hậu Lê | |
88 | Vũ Bạt Tụy | Nguyễn Nhân Trứ | 1634 | Hậu Lê |
89 | Nguyễn Xuân Chính | 1637 | Hậu Lê | |
90 | Phí Văn Thuật | 1640 | Hậu Lê | |
91 | Nguyễn Khắc Thiệu | Lê Trí Trạch | 1643 | Hậu Lê |
92 | Nguyễn Đăng Hạo | 1646 | Hậu Lê | |
93 | Khương Thế Hiển | Trịnh Cao Đệ | 1650 | Hậu Lê |
94 | Phùng Viết Tu | Nguyễn Đình Chính | 1652 | Hậu Lê |
95 | Nguyễn Đình Trụ | 1656 | Hậu Lê | |
96 | Nguyễn Quốc Trinh | Lê Thức | 1659 | Hậu Lê |
97 | Đặng Công Chất | Trần Xuân Bảng | 1661 | Hậu Lê |
98 | Nguyễn Viết Thứ | Vũ Duy Đoán | 1664 | Hậu Lê |
99 | Nguyễn Quán Nho | Nguyễn Hữu Đăng | 1667 | Hậu Lê |
100 | Lưu Danh Công | Trần Thế Vinh | 1670 | Hậu Lê |
101 | Bùi Quang Vận | Nguyễn Đức Vọng | 1673 | Hậu Lê |
102 | Nguyễn Quý Đức | Ngô Sách Tuân | 1676 | Hậu Lê |
103 | Phạm Công Thiện | Nguyễn Côn | 1680 | Hậu Lê |
104 | Nguyễn Đăng Đạo | Phạm Quang Trạch | 1683 | Hậu Lê |
105 | Vũ Thạnh | Nguyễn Danh Dự | 1685 | Hậu Lê |
106 | Nguyễn Đình Hoàn | Nguyễn Quốc Cương | 1688 | Hậu Lê |
107 | Ngô Vi Thực | Nguyễn Hữu Đạo | 1691 | Hậu Lê |
108 | Ngô Công Trạc | 1694 | Hậu Lê | |
109 | Nguyễn Quyền, Nguyễn Trù | 1697 | Hậu Lê | |
110 | Vũ Đình Ức | Nguyễn Hiệu | 1700 | Hậu Lê |
111 | Nguyễn Quang Luân | Nguyễn Trí Cung | 1703 | Hậu Lê |
112 | Phạm Quang Dung | Đỗ Công Đĩnh | 1706 | Hậu Lê |
113 | Phạm Khiêm Ích | Nguyễn Đồng Lâm | 1710 | Hậu Lê |
114 | Nguyễn Duy Đôn | Nguyễn Ky | 1712 | Hậu Lê |
115 | Bùi Sĩ Tiêm | Nguyễn Công Thái | 1715 | Hậu Lê |
116 | Vũ Công Tể | 1718 | Hậu Lê | |
117 | Ngô Sách Hân | Nguyễn Tông Quai | 1721 | Hậu Lê |
118 | Hà Công Huân | Chu Nguyên Lâm | 1724 | Hậu Lê |
119 | Nguyễn Thế Tập | Đặng Công Diễn | 1727 | Hậu Lê |
120 | Đỗ Huy Kỳ | Nguyễn Bá Lân | 1731 | Hậu Lê |
121 | Nhữ Trọng Thai | Nguyễn Hồ Dĩnh | 1733 | Hậu Lê |
122 | Trịnh Tuệ | Nhữ Đình Toản | 1736 | Hậu Lê |
123 | Vũ Diễm | Nguyễn Lâm Thái | 1739 | Hậu Lê |
124 | Phan Cảnh | Nguyễn Hoàn | 1743 | Hậu Lê |
125 | Đoàn Chú (Đoàn Thụ) | Trần Danh Tố | 1746 | Hậu Lê |
126 | Nguyễn Huy Oánh | Vũ Miên | 1748 | Hậu Lê |
127 | Lê Quý Đôn | 1752 | Hậu Lê | |
128 | Nguyễn Tông Trình | Phan Cận | 1754 | Hậu Lê |
129 | Bùi Đình Dự | Phạm Nguyễn Đạt | 1757 | Hậu Lê |
130 | Ngô Trần Thực | Nguyễn Huy Cận | 1760 | Hậu Lê |
131 | Vũ Cơ | Nguyễn Duy Thức | 1763 | Hậu Lê |
132 | Ngô Thì Sĩ | 1766 | Hậu Lê | |
133 | Bùi Huy Bích | Ngô Duy Viên | 1769 | Hậu Lê |
134 | Hồ Sĩ Đống | 1772 | Hậu Lê | |
135 | Ngô Thế Trị | Phan Huy Ích | 1775 | Hậu Lê |
136 | Nguyễn Hú (Duân) | Ninh Tốn | 1778 | Hậu Lê |
137 | Lê Huy Trân | 1779 | Hậu Lê | |
138 | Nguyễn Tân | Nguyễn Cầu | 1781 | Hậu Lê |
139 | Nguyễn Du | Nguyễn Bá Lan | 1785 | Hậu Lê |
140 | Trần Bá Lãm | 1787 | Hậu Lê | |
141 | Bùi Dương Lịch | 1787 | Hậu Lê | |
142 | Nguyễn Ý | 1822 | Nguyễn | |
143 | Hoàng Tế Mỹ | 1826 | Nguyễn | |
144 | Nguyễn Đăng Huân | 1829 | Nguyễn | |
145 | Phạm Trứ | 1832 | Nguyễn | |
146 | Nguyễn Hữu Cơ | 1835 | Nguyễn | |
147 | Nguyễn Cửu Trường | 1838 | Nguyễn | |
148 | Nguyễn Ngọc | 1841 | Nguyễn | |
149 | Hoàng Đình Tá | 1842 | Nguyễn | |
150 | Mai Anh Tuấn | 1843 | Nguyễn | |
151 | Nguyễn Viết Chương | 1844 | Nguyễn | |
152 | Phan Dưỡng Hạo | 1847 | Nguyễn | |
153 | Nguyễn Khắc Cần | 1848 | Nguyễn | |
154 | Đỗ Duy Đệ | 1849 | Nguyễn | |
155 | Phạm Thanh | 1851 | Nguyễn | |
156 | Vũ Duy Thanh | 1851 | Nguyễn | |
157 | Nguyễn Đức Đạt | 1853 | Nguyễn | |
158 | Ngụy Khắc Đản | 1856 | Nguyễn | |
159 | Nguyễn Hữu Lập | 1862 | Nguyễn | |
160 | Trần Bích San | 1865 | Nguyễn | |
161 | Đặng Văn Kiều | 1865 | Nguyễn | |
162 | Vũ Nhự | 1868 | Nguyễn | |
163 | Nguyễn Quang Bích | 1869 | Nguyễn | |
164 | Nguyễn Khuyến | 1871 | Nguyễn | |
165 | Phạm Như Xương | 1875 | Nguyễn | |
166 | Phan Đình Phùng | 1877 | Nguyễn | |
167 | Đỗ Huy Liêu | 1879 | Nguyễn | |
168 | Nguyễn Đình Dương | 1880 | Nguyễn | |
169 | Nguyễn Đức Quý | 1884 | Nguyễn | |
170 | Hoàng Bính | 1889 | Nguyễn | |
171 | Vũ Phạm Hàm | 1892 | Nguyễn | |
172 | Trần Dĩnh Sĩ | 1895 | Nguyễn | |
173 | Đào Nguyên Phổ | 1898 | Nguyễn | |
174 | Nguyễn Đình Tuân | 1901 | Nguyễn | |
175 | Đặng Văn Thụy | 1904 | Nguyễn | |
176 | Nguyễn Đình Phiên | 1907 | Nguyễn | |
177 | Vương Hữu Phu | 1910 | Nguyễn | |
178 | Đinh Văn Chấp | 1913 | Nguyễn | |
179 | Trịnh Thuần | 1916 | Nguyễn | |
180 | Nguyễn Phong Di | 1919 | Nguyễn |
Trạng nguyên
Trạng nguyên (chữ Hán: 狀元) là danh hiệu thuộc học vị Tiến sĩ của người đỗ cao nhất trong các khoa đình thời phong kiến ở Việt Nam của các triều nhà Lý, Trần, Lê, và Mạc, kể từ khi có danh hiệu Tam khôi dành cho 3 vị trí đầu tiên. Người đỗ Trạng nguyên nói riêng và đỗ tiến sĩ nói chung phải vượt qua 3 kỳ thi: thi hương, thi hội và thi đình.
Khoa thi đầu tiên được mở ra dưới thời Lý năm 1075, lúc đó vua nhà Lý chưa đặt ra định chế tam khôi nên người đỗ đầu khoa thi này là Lê Văn Thịnh chưa được gọi là Trạng nguyên. Danh sách cụ thể những người đỗ đầu các kỳ thi này xem bài Thủ khoa Đại Việt. Phải đến khoa thi năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 đời vua Trần Thái Tông (1247) mới đặt ra định chế tam khôi (3 vị trí đỗ đầu có tên gọi thứ tự là: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) thì mới có danh hiệu Trạng nguyên. Đến thời nhà Nguyễn thì không lấy danh hiệu Trạng nguyên nữa (danh hiệu cao nhất dưới thời nhà Nguyễn là Đình nguyên). Do đó Trạng nguyên cuối cùng là Trịnh Tuệ đỗ khoa Bính Thìn (1736) thời Lê-Trịnh.
Danh sách các Trạng nguyên của Việt Nam:
Danh sách này bao gồm những người được phong là thủ khoa và Chính danh Trạng nguyên từ khi có danh vị này. Trường hợp phân chia 2 ngôi vị thời Trần Kinh Trạng nguyên (đỗ đầu các Tiến sĩ quê từ Ninh Bình trở ra) và Trại Trạng nguyên (đỗ đầu các Tiến sĩ quê từ Thanh Hoá trở vào) cũng được ghi đủ cả hai vị. Một số trong số này đã được ghi danh vào bia Tiến sĩ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Thứ tự | Tên | Năm sinh – Năm mất | Quê | Năm đỗ Trạng nguyên | Đời vua | Ghi chú |
1 | Khương Công Phụ | 731 – 805 | Thanh Hóa | 780 | Đường Đức Tông | Trạng nguyên đầu tiên, làm đến tể tước thời Đường. |
1 | Lê Văn Thịnh | 1050 – 1096 | Bắc Ninh | 1075 | Lý Nhân Tông | |
2 | Mạc Hiển Tích | 1060 – 1189 | Hải Dương | 1086 | Lý Nhân Tông | Tổ 5 đời của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. |
3 | Bùi Quốc Khái | 1141 – 1234 | Hải Dương | 1185 | Lý Cao Tông | |
4 | Nguyễn Công Bình | Vĩnh Phúc | 1213 | Lý Huệ Tông | Ông tổ nghề nuôi ong. | |
5 | Trương Hanh | 1200 – ? | Hải Dương | 1232 | Trần Thái Tông | Trạng nguyên đầu tiên của triều đại nhà Trần. |
6 | Lưu Miễn | Thanh Hóa | 1239 | Trần Thái Tông | ||
7 | Nguyễn Quan Quang | 1222 – ? | Bắc Ninh | 1246 | Trần Thái Tông | Trạng nguyên đầu tiên của nước ta. (Khoa thi đầu tiên đặt ra danh hiệu Tam Khôi) |
8 | Nguyễn Hiền | 1234 – 1255 | Nam Định | 1247 | Trần Thái Tông | Trạng nguyên nhỏ tuổi nhất. |
9 | Trần Quốc Lặc | 1230 – ? | Hải Dương | 1256 | Trần Thái Tông | Kinh Trạng nguyên |
10 | Trương Xán | 1227 – ? | Quảng Bình | 1256 | Trần Thái Tông | Trại Trạng nguyên |
11 | Trần Cố | Hải Dương | 1266 | Trần Thánh Tông | Kinh Trạng nguyên | |
12 | Bạch Liêu | 1236 – 1315 | Nghệ An | 1266 | Trần Thánh Tông | Trại Trạng nguyên |
13 | Lý Đạo Tái | 1254 – 1334 | Bắc Ninh | 1272 | Trần Thánh Tông | Tổ thứ ba (Huyền Quang) của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử |
14 | Đào Tiêu | Thanh Hóa | 1275 | Trần Thánh Tông | ||
15 | Mạc Đĩnh Chi | 1272 – 1346 | Hải Dương | 1304 | Trần Anh Tông | Cháu 5 đời của Mạc Hiển Tích, Lưỡng quốc Trạng nguyên |
16 | Đào Sư Tích | 1348 – 1396 | Nam Định | 1374 | Trần Duệ Tông | Tam nguyên |
17 | Lưu Thúc Kiệm | 1373 – 1434 | Bắc Ninh | 1400 | Hồ Quý Ly | |
18 | Nguyễn Trực | 1417 – 1474 | Hà Nội | 1442 | Lê Thái Tông | Lưỡng quốc Trạng nguyên – văn bia đầu tiên. |
19 | Nguyễn Nghiêu Tư | 1383 – 1471 | Bắc Ninh | 1448 | Lê Nhân Tông | Trạng Lợn, Lưỡng quốc trạng nguyên, Trạng nguyên lớn tuổi nhất |
20 | Lương Thế Vinh | 1441 – 1496 | Nam Định | 1463 | Lê Thánh Tông | Trạng Lường |
21 | Vũ Kiệt | 1452 – ? | Bắc Ninh | 1472 | Lê Thánh Tông | Trạng Vít |
22 | Vũ Tuấn Chiêu | 1425 – ? | Nam Định | 1475 | Lê Thánh Tông | |
23 | Phạm Đôn Lễ | 1454 – ? | Thái Bình | 1481 | Lê Thánh Tông | Trạng Chiếu (Tam nguyên) |
24 | Nguyễn Quang Bật | 1463 – 1505 | Bắc Ninh | 1484 | Lê Thánh Tông | |
25 | Trần Sùng Dĩnh | 1465 – ? | Hải Dương | 1487 | Lê Thánh Tông | |
26 | Vũ Duệ | ? – 1520 | Phú Thọ | 1490 | Lê Thánh Tông | |
27 | Vũ Tích (Vũ Dương) | Hải Dương | 1493 | Lê Thánh Tông | Tam nguyên | |
28 | Nghiêm Hoản | Bắc Ninh | 1496 | Lê Thánh Tông | Trạng Hổ | |
29 | Đỗ Lý Khiêm | Thái Bình | 1499 | Lê Hiển Tông | ||
30 | Lê Ích Mộc | 1458 – 1538 | Hải Phòng | 1502 | Lê Hiển Tông | |
31 | Lê Nại | 1528 – ? | Hải Dương | 1505 | Lê Uy Mục | Trạng Ăn |
32 | Nguyễn Giản Thanh và Hứa Tam Tỉnh | 1482 – ? | Bắc Ninh | 1508 | Lê Uy Mục | Trạng Me và Trạng Ngọt |
33 | Hoàng Nghĩa Phú | 1479 – ? | Hà Nội | 1511 | Lê Tương Dực | |
34 | Nguyễn Đức Lượng | 1465 – ? | Hà Nội | 1514 | Lê Tương Dực | |
35 | Ngô Miễn Thiệu | 1498 – ? | Bắc Ninh | 1518 | Lê Chiêu Tông | |
36 | Hoàng Văn Tán | Bắc Ninh | 1523 | Lê Cung Hoàng | ||
37 | Trần Tất Văn | 1428 – 1527 | Hải Phòng | 1526 | Lê Cung Hoàng | |
38 | Đỗ Tống | 1504 – ? | Hưng Yên | 1529 | Mạc Thái Tổ | |
39 | Nguyễn Thiến | 1495 – 1557 | Hà Nội | 1532 | Mạc Thái Tông | |
40 | Nguyễn Bỉnh Khiêm | 1491 – 1585 | Hải Phòng | 1535 | Mạc Thái Tông | Trạng Trình |
41 | Giáp Hải | 1515 – 1585 | Bắc Giang | 1538 | Mạc Thái Tông | Trạng Ác |
42 | Nguyễn Kỳ | 1518 – ? | Hưng Yên | 1541 | Mạc Hiến Tông | |
43 | Dương Phúc Tư | 1505 – 1564 | Hưng Yên | 1547 | Mạc Tuyên Tông | |
44 | Trần Văn Bảo | 1524 – 1610 | Nam Định | 1550 | Mạc Tuyên Tông | |
45 | Nguyễn Lượng Thái | 1525 – 1576 | Bắc Ninh | 1553 | Mạc Tuyên Tông | |
46 | Phạm Trấn | 1523 – ? | Hải Dương | 1556 | Mạc Tuyên Tông | |
47 | Đặng Thì Thố | 1526 – ? | Hải Dương | 1559 | Mạc Tuyên Tông | (là Thám hoa) |
48 | Phạm Duy Quyết | 1521 – ? | Hải Dương | 1562 | Mạc Mậu Hợp | |
49 | Phạm Quang Tiến | Bắc Ninh | 1565 | Mạc Mậu Hợp | ||
50 | Nguyễn Duy Thì | 1562 – 1642 | Vĩnh Phúc | 1599 | Lê Trung Hưng | Tam Nguyên |
51 | Nguyễn Xuân Chính | 1587 – ? | Bắc Ninh | 1637 | Lê Thần Tông | Trạng Cháy |
52 | Nguyễn Quốc Trinh | 1624 – 1674 | Hà Nội | 1659 | Lê Thần Tông | |
53 | Đặng Công Chất | 1621 – 1683 | Hà Nội | 1661 | Lê Thần Tông | |
54 | Lưu Danh Công | 1643 – ? | Hà Nội | 1670 | Lê Huyền Tông | |
55 | Nguyễn Đăng Đạo | 1650 – 1718 | Bắc Ninh | 1683 | Lê Hy Tông | Trạng Bịu, Lưỡng quốc Trạng nguyên |
56 | Trịnh Tuệ/Trịnh Huệ | 1701 – ? | Thanh Hóa | 1736 | Lê Ý Tông | Trạng nguyên cuối cùng |
Bảng nhãn
Bảng nhãn (chữ Nôm: 版沲) là một danh hiệu của học vị Tiến sĩ trong hệ thống giáo dục Việt Nam thời phong kiến. Ở Việt Nam, danh hiệu này được xác định trong kỳ thi bậc nhất của thi Đình, còn gọi là Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, nhị danh. Người thi đỗ bảng nhãn đứng thứ hai trong tam khôi (dưới Trạng nguyên, trên Thám hoa).
Danh sách các Bảng nhãn của Việt Nam:
Danh sách bảng nhãn dưới đây lấy theo Danh sách các vị Tam khôi của Viện Hán-Nôm.
Thứ tự | Tên | Năm sinh – Năm mất | Quê | Năm đỗ Bảng nhãn | Đời vua | Ghi chú |
1 | Phạm Văn Tuấn | 1221 – ? | Hải Dương | 1246 | Trần Thái Tông | Bảng nhãn đầu tiên của Việt Nam |
2 | Lê Văn Hưu | 1230 – 1322 | Thanh Hóa | 1247 | Trần Thái Tông | Bảng nhãn trẻ tuổi nhất (17 tuổi). |
3 | Chu Hinh | ? – ? | Hưng Yên | 1256 | Trần Thái Tông | |
4 | Bùi Mộ | ? – ? | Hà Nội | 1304 | Trần Anh Tông | |
5 | Lê Hiến Phủ | 1341 – 1399 | Quảng Ninh | 1374 | Trần Duệ Tông | |
6 | Nguyễn Như Đổ | 1424 – 1526 | Hà Nội | 1442 | Lê Thái Tông | Bảng nhãn 18 tuổi. |
7 | Trịnh Thiết Trường | 1390 – ? | Thanh Hóa | 1448 | Lê Nhân Tông | Năm 1442 đã đỗ hạng tam giáp đồng tiến sĩ nhưng không nhận. |
8 | Nguyễn Đức Trinh | 1439 – 1472 | Hải Dương | 1463 | Lê Thánh Tông | |
9 | Nguyễn Toàn An (Nguyễn Kim An?) | 1451 – ? | Hải Dương | 1472 | Lê Thánh Tông | Là lính trong quân đội Đại Việt dưới thời vua Lê Thánh Tông. Nhờ một bài thơ mà vua Lê Thánh Tông cho về quê đèn sách rồi đỗ bảng nhãn khoa Nhâm Thìn 1472. |
10 | Ông Nghĩa Đạt | ? – ? | Hà Nội | 1475 | Lê Thánh Tông | |
11 | Lê Quảng Chí | 1451 – 1533 | Hà Tĩnh | 1478 | Lê Thánh Tông | Đình nguyên Bảng nhãn, Hoành Sơn tiên sinh. |
12 | Trần Bích Hoành | 1452 – ? | Nam Định | 1478 | Lê Thánh Tông | |
13 | Lưu Hưng Hiếu | 1456 – ? | Thanh Hóa | 1481 | Lê Thánh Tông | |
14 | Nguyễn Giác | ? – ? | Hà Nội | 1484 | Lê Thánh Tông | |
15 | Nguyễn Đức Huấn | ? – ? | Hải Dương | 1487 | Lê Thánh Tông | |
16 | Ngô Hoán | 1460 – 1522? | Hải Dương | 1490 | Lê Thánh Tông | |
17 | Ngô Thầm | ? – ? | Bắc Ninh | 1493 | Lê Thánh Tông | Thành viên hội Tao Đàn. |
18 | Nguyễn Huân | ? – ? | Bắc Ninh | 1496 | Lê Thánh Tông | |
19 | Lương Đắc Bằng | 1472 – 1522 | Thanh Hóa | 1499 | Lê Hiến Tông | Giỏi về lý số. |
20 | Lê Sạn | 1476 – ? | Hà Nội | 1502 | Lê Hiến Tông | |
21 | Bùi Nguyên | ? – ? | Hà Nội | 1505 | Lê Uy Mục | |
22 | Hứa Tam Tỉnh | 1481 – ? | Bắc Ninh | 1508 | Lê Uy Mục | |
23 | Trần Bảo Tín | 1482 – ? | Hà Tĩnh | 1511 | Lê Tương Dực | Truy phong phúc thần thượng thư. |
24 | Nguyễn Chiêu Huấn | ? – ? | Bắc Ninh | 1514 | Lê Tương Dực | |
25 | Nguyễn Mẫn Đốc | 1492 – ? | Phú Thọ | 1518 | Lê Chiêu Tông | Nguyên quán Tứ Kỳ, Hải Dương. Theo Lê Chiêu Tông vào Thanh Hóa, tuẫn tiết, truy phong phúc thần. |
26 | Nguyễn Thuyên | ? – ? | Bắc Ninh | 1523 | Lê Cung Hoàng | |
27 | Nguyễn Văn Hiến | ? – ? | Bắc Ninh | 1526 | Lê Cung Hoàng | |
28 | Nguyễn Hãng | 1488 – ? | Hà Nội | 1529 | Mạc Thái Tổ | |
29 | Bùi Vịnh | 1498 – 1545 | Hà Nội | 1532 | Mạc Thái Tông | |
30 | Bùi Khắc Đốc | 1510 – ? | Hà Nội | 1535 | Mạc Thái Tông | |
31 | Trần Toại | 1514 – ? | Phú Thọ | 1538 | Mạc Thái Tông | |
32 | Phạm Công Sâm | 1504 – ? | Hải Dương | 1541 | Mạc Hiến Tông | |
33 | Phạm Du | ? – ? | Vĩnh Phúc | 1547 | Mạc Tuyên Tông | |
34 | Trần Văn | ? – ? | Hưng Yên | 1550 | Mạc Tuyên Tông | |
35 | Hoàng Tuân | 1517 – ? | Hưng Yên | 1553 | Mạc Tuyên Tông | |
36 | Đỗ Uông | 1523/1533? – 1600 | Hải Dương | 1556 | Mạc Tuyên Tông | |
37 | Trương Lỗ | 1532 – ? | Hải Dương | 1562 | Mạc Mậu Hợp | |
38 | Nguyễn Miễn | ? – ? | Bắc Ninh | 1571 | Mạc Mậu Hợp | |
39 | Nguyễn Nhân Triêm | 1530 – ? | Bắc Ninh | 1577 | Mạc Mậu Hợp | |
40 | Nguyễn Nghi | 1577 – 1664 | Thái Bình | 1637 | Lê Thần Tông | Bảng nhãn lớn tuổi nhất (61 tuổi). |
41 | Nguyễn Văn Bích | 1620 – 1706 | Hải Phòng | 1659 | Lê Thần Tông | Nguyên quán Tĩnh Gia, Thanh Hóa. |
42 | Đào Công Chính | 1623/1639? – ? | Hải Phòng | 1661 | Lê Thần Tông | |
43 | Phạm Quang Trạch | 1653 – ? | Hà Nội | 1683 | Lê Hy Tông | |
44 | Nguyễn Đình Ức | 1676 – ? | Hà Nội | 1700 | Lê Hy Tông | |
45 | Hà Tông Huân | 1697 – 1766 | Thanh Hóa | 1724 | Lê Dụ Tông | Đình nguyên Bảng nhãn. |
46 | Nhữ Trọng Đài | 1696 – ? | Hải Dương | 1733 | Lê Thuần Tông | |
47 | Lê Quý Đôn | 1726 – 1784 | Thái Bình | 1752 | Lê Hiển Tông | Đình nguyên Bảng nhãn. |
48 | Phạm Thanh | 1821 – ? | Thanh Hóa | 1851 | Tự Đức | |
49 | Vũ Duy Thanh | 1807 – 1859 | Ninh Bình | 1851 | Tự Đức | Chế khoa. Dân gian gọi là Trạng Bồng. Bảng nhãn cuối cùng của Việt Nam |
Thám hoa
Thám hoa (tiếng Hoa:探花) là một loại danh hiệu của học vị Tiến sĩ trong hệ thống khoa bảng Nho học thời phong kiến ở các quốc gia Đông Á. Ở Việt Nam, danh hiệu này được xác định trong kỳ thi bậc nhất của thi Đình, còn gọi là Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh. Người thi đỗ thám hoa đứng thứ ba trong tam khôi (dưới trạng nguyên và bảng nhãn).
Danh sách các Thám hoa của Việt Nam:
- Giang Văn Minh (1573 – 1638), đỗ Thám hoa lúc 56 tuổi, làm quan đến Thái bộc tự khanh
- Vũ Công Tể (1687-1745), đỗ Thám hoa lúc 32 tuổi, làm quan đến Tham tụng, Lại bộ Thượng thư
- Đặng Văn Kiều (1824-1881), đỗ Thám hoa lúc 42 tuổi, làm quan đến Quốc sử quán Toản tu, từng làm Giám thí (Phó chủ khảo) trường thi Thừa Thiên (tức trường thi Quảng Đức)
- Vũ Phạm Hàm (1864 – 1906), đỗ Thám hoa lúc 29 tuổi, làm quan đến Đốc học Hà Nội
- Lưỡng quốc Thám Hoa Phan Kính
- Thám Hoa Nguyễn Đức Đạt
- Thám Hoa Nguyễn Văn Giao
- Thám Hoa Nguyễn Huy Oánh
Hoàng giáp
Hoàng giáp (chữ Hán: 黃甲) là một loại (gọi là giáp) danh hiệu của học vị Tiến sĩ Nho học trong hệ thống khoa bảng thời phong kiến. Loại danh hiệu này được xác định trong kỳ thi Đình, còn gọi là tiến sĩ xuất thân (進士出身). Vì đứng thứ hai trong hệ thống các loại học vị tiến sĩ, trên đệ tam giáp, nhưng dưới đệ nhất giáp, tức tam khôi (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa) nên còn gọi là Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân. Hoàng giáp (đệ nhị giáp) được quy định lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm Kiến Trung thứ 8 (1232) đời vua Trần Thái Tông cùng với đệ nhất giáp (tam khôi) và đệ tam giáp (thái học sinh).
Danh sách các Hoàng giáp của Việt Nam:
- Nguyễn Trung Ngạn là người đỗ hoàng giáp đầu tiên khoa Đại tỷ năm 1304 khi mới 16 tuổi.
- Nguyễn Bá Tĩnh (Tuệ Tĩnh) (1330 – 1400), hoàng giáp năm Ất Mão (1375)
- Trương Phu Duyệt (1476 – ?), hoàng giáp năm 1505, thượng thư bộ lại đời vua Lê Cung Hoàng
- Vũ Hữu (1437 – 1530), hoàng giáp năm Quý Mùi (1463)
- Quách Hữu Nghiêm (1442 – 1504), hoàng giáp năm Bính Tuất (1466)
- Nghiêm Ích Khiêm (1459 – 1499), hoàng giáp năm Canh Tuất (1490)
- Nguyễn Trù (1668 – 1738), hoàng giáp năm Đinh Sửu (1697)
- Bùi Huy Bích (1744 – 1818), hoàng giáp năm Canh Dần (1770)
- Bùi Dương Lịch (1757 – 1828) là nhà văn hóa lớn của Việt Nam thời Tây Sơn và nhà Nguyễn, hoàng giáp năm 1787.
- Phạm Văn Nghị (1805 – 1884), hoàng giáp năm Mậu Tuất (1838)
- Đỗ Huy Liêu (1844 – 1891), hoàng giáp năm Kỷ Mão (1879)
- Nguyễn Quang Bích (tức Ngô Quang Bích) (1832 – 1890) hoàng giáp năm Kỷ Tỵ (1869)
- Nguyễn Khuyến (1835 – 1909), hoàng giáp năm Tân Mùi (1871)
- Đào Nguyên Phổ (1861 – 1907), hoàng giáp năm Mậu Tuất (1898)
- Nguyễn Khắc Niêm (1888 – 1954), hoàng giáp năm Đinh Mùi (1907)
Đồng tiến sĩ xuất thân
Đồng tiến sĩ xuất thân (chữ Nho: 同進士出身) là một loại danh hiệu thuộc học vị Tiến sĩ trong hệ thống thi cử Nho học thời phong kiến tại Trung Quốc, Việt Nam.
-
- Tại Trung Quốc: Thời nhà Tống, khoa cử chia ra làm 5 giáp. Những người đỗ ở giáp thứ 5 gọi là đồng tiến sĩ xuất thân. Tới thời Minh-Thanh mới chia thành 3 giáp và những người đỗ ở giáp thứ 3 gọi là đồng tiến sĩ xuất thân.
- Tại Việt Nam: Loại danh hiệu này được xác định trong kỳ thi Đình, còn gọi là Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân, đứng cuối cùng trong bảng danh dự các loại học vị tiến sĩ. Về sau xuất hiện thêm danh hiệu Phó bảng đứng sau học vị Tiến sĩ. Bậc cao hơn là Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (còn gọi là Hoàng giáp). Cao hơn cả là Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ (đứng đầu bảng là Tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa)
Danh sách các Đồng tiến sĩ xuất thân của Việt Nam:
- Nguyễn Hoàn (1713 – 1792), đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân năm 31 tuổi, làm quan đến Tham tụng (Tể tướng), Quốc sử quán Tổng tài
- Khiếu Năng Tĩnh (1835 – ?), đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân năm 45 tuổi, làm quan đến Tế tửu Quốc tử giám Huế
- Phan Huy Nhuận (1847 – 1912) đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân năm 33 tuổi làm quan đến Phú Yên tỉnh Bố chính sứ thời Nguyễn
- Hoàng Văn Hòe (1848 – ?) đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân năm 33 tuổi làm quan đến Quốc sử quán Tu biên thời Nguyễn
Dưới thời Hậu Lê, thi Đình thường tổ chức 3 năm/lần. Trong kỳ thi này, vua đích thân ra đề, chấm thi. Người đỗ đầu được gọi là Đình nguyên, có thể là trạng nguyên, nhiều kỳ thi không ai xứng đáng đỗ trạng thì Đình nguyên là bảng nhãn, thám hoa, có khi là hoàng giáp.
Từ năm 1428-1789, có hơn 100 kỳ thi được tổ chức. Người đỗ tiến sĩ được vua ban lễ xướng danh, ban mũ, áo, đai, ban yến, lạy tạ vinh quy và khắc bia tiến sĩ trong Văn Miếu để lưu truyền muôn đời.
Đề thi Đình thường liên quan đến đạo trị nước, nho sinh thường được thể hiện hết những suy nghĩ, trăn trở của mình trước vận mệnh, thời cuộc của quốc gia, những vấn đề đại sự. Những ý kiến nêu ra trong bài thi sẽ được vua xem xét, đánh giá, từ đó chọn ra người đỗ cao nhất.
Trong lịch sử khoa bảng nước ta, từng có những bài thi Đình thể hiện được tư duy, đạo trị nước xuất sắc. Tiêu biểu như bài thi Đình của trạng nguyên Vũ Kiệt năm 1472 nói về giáo dục và chống tham nhũng.
>> Xem thêm: Lịch sử Hệ thống Giáo dục Việt Nam qua các thời kỳ; Tìm hiểu Hệ thống Giáo dục Việt Nam thời Phong kiến
Như vậy, chúng ta đã tìm hiểu sơ qua về các học vị của những người đỗ đạt trong các kỳ thi thời Phong kiến của Việt Nam. Hy vọng bài viết giúp ích cho bạn trong việc tìm hiểu lịch sử tên gọi các loại học vị trong lịch sử Phong kiến.